Chính Sách Tài Khóa Là Gì? Các Công Cụ Chính Sách Tài Khóa

Biên tập viên Tác giả Biên tập viên 19/07/2024 30 phút đọc

Chính sách tài khóa được ví như “bàn tay vô hình” của Chính phủ nhằm can thiệp đến tình hình kinh tế quốc dân hay vùng lãnh thổ, đặc biệt là trong thời kỳ xảy ra lạm phát hay giảm phát, suy thoái leo thang, thông qua đó nhằm thúc đầy tăng trưởng phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, bình ổn giá và hạn chế lạm phát.

Vậy chính sách tài khóa là gì? Công cụ thực hiện chính sách tài khóa như thế nào? Trong bài viết ngày hôm nay, Phân tích tài chính sẽ phân tích và làm sáng tỏ khái niệm và các vấn đề khác liên quan đến chính sách tài khóa cho các bạn.

1. Chính sách tài khóa là gì?

Chính sách tài khóa (Fiscal policy) là một công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô mà Chính phủ nhằm tác động vào quy mô hoạt động nền kinh tế thông qua biện pháp thay đổi chi tiêu ngân sách và/hoặc thuế của Chính phủ.

Chính sách tài khóa cùng với chính sách tiền tệ là hai chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng, giúp Chính phủ có thể ổn định, thúc đẩy và phát triển nền kinh tế đất nước nhằm tránh lạm phát, thất nghiệp, thâm hụt ngân sách,...

Chính sách tài khóa được chia làm 3 loại: Chính sách tài khóa mở rộng, chính sách tài khóa thắt chặt và chính sách tài khóa trong điều kiện có sự ràng buộc về ngân sách.

 

Đồ thị chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tài khóa thắt chặt

Sự khác nhau giữa chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tài khóa thắt chặt

Note: Chỉ có chính quyền cấp Trung ương của bộ máy Nhà nước cụ thể ở đây là Chính phủ Việt Nam mới có quyền và nghĩa vụ đề nghị, thông qua, thực thi và phổ biến chính sách tài khóa tới các cấp thấp hơn.

Ví dụ về chính sách tài khóa ở Việt Nam:

Ngày 9/11/2021, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách tài khóa để hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cũng như phòng, chống dịch bệnh với tổng mức ngân sách khoảng 200.000 tỷ đồng. Riêng Nghị định 52 đã giãn, hoãn thuế cho các tổ chức, doanh nghiệp 115.000 tỷ đồng, Nghị định 92 đã giảm 21.300 tỷ đồng thuế và các vấn đề liên quan về ảnh hưởng dịch Covid-19, Quỹ Vaccine được gần 9.000 tỷ đồng.

2. Mục tiêu của chính sách tài khóa

Mỗi một chính sách tài khóa được thông qua và thực thi đều có mục tiêu mà Chính phủ muốn thực hiện với nền kinh tế, giải quyết được những tồn đọng cũng như phát triển tiềm lực kinh tế.

Mục tiêu tổng quát:

Mục tiêu tổng quát của chính sách tài khóa bao gồm việc tăng cường tối đa tiềm lực tài chính của đất nước, đặc biệt là tăng cường tiềm lực của ngân sách Nhà nước (đầu tư công) và tiềm lực tài chính của các tổ chức, doanh nghiệp. Quá trình đó đồng thời phải đạt mục tiêu về thu hút nguồn vốn, giải quyết nhu cầu về vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế quốc dân.

Mục tiêu cụ thể:

Mục tiêu cụ thể của chính sách tài khóa như sau:

    • Hình thành một cơ chế, hệ thống tài chính hoạt động hiệu quả; đảm bảo các cân đối chủ yếu trong hệ thống tài chính
    • Thúc đẩy sự phát triển của các quan hệ sản xuất kinh doanh
    • Khai thác triệt để mọi nguồn vốn, kỹ thuật công nghệ, nhân công lao động, thị trường cho sự thúc đẩy và tăng cường kinh tế
    • Mở rộng quan hệ giao lưu, hữu nghị kinh tế với nước ngoài, với các tổ chức, hiệp hội, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế
    • Khai thác, tạo lập và phát triển các nguồn thu cho ngân sách Nhà nước
    • Ổn định thị trường, giá cả, ổn định giá trị đồng tiền nội tệ làm cơ sở cho ổn định và tăng trưởng kinh tế
    • Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn vốn và các hoạt động sản xuất – kinh doanh của mọi thành phần kinh tế, từ đó thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước

Mục tiêu chính sách tài khóa là gì

3. Nguyên tắc của chính sách tài khóa

Để đảm bảo tính hiệu quả trong việc thực thi chính sách tài khóa, cần phải tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản sau:

  • Cần có sự nhất quán về mục tiêu chính sách nhằm đạt được mục tiêu kinh tế vĩ mô là lạm phát ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững và tạo công ăn việc làm cho thị trường lao động.
  • Trong quá trình thực thi, cần tạo ra sự đồng bộ, bổ sung, linh hoạt, tận dụng được ngân sách Nhà nước và nguồn vốn.
  • Hỗ trợ và chia sẻ thông tin để đảm bảo thực hiện hiệu quả các quyết định chính sách nhằm đạt được mục tiêu đề ra, đảm bảo tính bền vững của chính sách.

4. Vai trò của chính sách tài khóa trong nền kinh tế vĩ mô

* Công cụ giúp Chính phủ điều tiết nền kinh tế quốc dân

Các điều tiết được phản ánh thông qua chính sách chi tiêu ngân sách, đầu tư công và thuế suất. Khi Chính phủ có căn cứ phân tích và điều chỉnh cần thiết với trạng thái của nền kinh tế. Từ đó đưa ra các chính sách thuế được tăng, giảm nhằm kích thích hay cân đối cung - cầu trên thị trường. Hạn chế được các tác động hay ảnh hưởng của giảm phát, lạm phát.

* Tác động trực tiếp vào nền kinh tế và thị trường quốc gia

Khi nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái hay phát triển quá mức thì chính sách tài khóa lại trở thành công cụ được Chính phủ sử dụng để giúp đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng. Thông qua các nguồn chi ngân sách, thuế suất hợp lý sẽ mang đến cơ hội cho nền kinh tế thị trường ổn định và phục hồi trở lại. Ngược lại, khi phát triển quá mức cần được kìm lại thông qua các chính sách giảm chi ngân sách, tăng thuế làm bình ổn thị trường hơn.

* Nhằm phát triển ổn định và tăng trưởng các tiềm năng tài chính

Chính sách tài khóa hướng tới tăng trưởng và ổn định phát triển. Khi các nền tảng bền vững được xây dựng sẽ giúp cho việc phát triển hay tiềm năng được khai thác, các tiện ích mới được xây dựng cho thị trường nói chung. Tăng trưởng dù là trực tiếp hay gián tiếp đều là mục tiêu cuối cùng của chính sách tài khóa.

Xem thêm: Lợi Nhuận Ròng Là Gì? Cách Tính Lợi Nhuận Ròng Chính Xác

5. Các công cụ của chính sách tài khóa

Các công cụ của chính sách tài khóa bao gồm các công cụ về thuế, công cụ chi tiêu, và công cụ tài trợ cho thâm hụt ngân sách. Nhưng công cụ phổ biến được Chính phủ hay sử dụng nhất đó chính là công cụ về Thuế và công cụ Chi tiêu.

- Chi tiêu của chính phủ gồm hai loại: Chi mua sắm hàng hoá dịch vụ và Chi chuyển nhượng.

+ Chi mua hàng hoá dịch vụ là việc chính phủ dùng ngân sách để mua vũ khí, khí tài quân sự quốc phòng, xây dựng đường xá, cầu cống và các công trình kết cấu hạ tầng, trả lương cho đội ngũ cán bộ nhà nước, mua thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19... phục vụ cho lợi ích đất nước.

Chi mua sắm hàng hoá dịch vụ của Chính phủ quyết định quy mô tương đối của khu vực công trong GDP so với khu vực tư nhân. Khi chính phủ giảm hay tăng chỉ tiêu này của mình, nó sẽ tác động trực tiếp đến tổng cầu với một tác động mang tính chất số nhân.

Ví dụ: Nếu chi mua sắm của chính phủ tăng lên một đồng sẽ làm tổng cầu tăng nhiều hơn một đồng và ngược lại, nếu chi mua hàng hóa của chính phủ giảm đi một đồng thì sẽ làm tổng cầu thu hẹp với tốc độ nhanh hơn. Chính nhờ hiệu ứng số nhân này mà Chính phủ có thể sử dụng chi tiêu mua hàng hóa, dịch vụ như một công cụ để điều tiết tổng cầu trong nền kinh tế quốc dân.

+ Chi chuyển nhượng là các khoản trợ cấp của chính phủ cho các đối tượng chính sách như người nghèo, người cao tuổi hay các nhóm dễ bị tổn thương khác trong xã hội.

Khác với chi mua sắm hàng hoá dịch vụ ở trên, chi chuyển nhượng lại có tác động gián tiếp đến tổng cầu thông qua việc ảnh hưởng đến tiêu dùng và thu nhập cá nhân.

Ví dụ: Khi chính phủ tăng chi chuyển nhượng sẽ làm cho tiêu dùng cá nhân tăng lên. Rồi từ đó, qua hiệu số nhân của tiêu dùng cá nhân sẽ làm gia tăng tổng cầu thị trường.

- Thuế suất: Chính phủ sẽ chủ yếu dựa trên hai loại thuế quan trọng là thuế trực thu (direct taxes) và thuế gián thu (indirect taxes) để ra chính sách phù hợp.

Một mặt, ngược với chính sách chi chuyển nhượng, thuế sẽ làm giảm thu nhập khả dụng của cá nhân, dẫn đến chi mua tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ của cá nhân sẽ giảm xuống, khiến tổng cầu giảm và GDP giảm.

Mặt khác, chính sách tăng giảm thuế tác động làm méo mó giá cả hàng hoá và dịch vụ trên thị trường nên ảnh hưởng đến hành vi và động cơ khuyến khích của cá nhân.

6. Những hạn chế của chính sách tài khóa

- Độ trễ về thời gian: sau một thời gian nghiên cứu và phân tích nhất định, Chính phủ mới có thể nhận biết được sự thay đổi của tổng cầu, có thể phải mất đến nửa năm mới có thể thu thập được những số liệu thống kê đáng tin cậy từ nhiều Bộ về nền kinh tế vĩ mô đang có sự biến động.

Và sau đó, việc ra những quyết định về chính sách cũng phải mất một thời gian mới được thông qua và thực thi. Khi các quyết định về chính sách đã được thực thi thì cũng cần phải có thời gian để tác dụng của nó có thể đến được với cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp.

- Trong khi quyết định về chính sách tài khoá, chính phủ luôn gặp phải hai vấn đề cơ bản. Trước hết, chính phủ không biết được quy mô tác động cụ thể của việc điều chỉnh chi tiêu lên các biến số kinh tế vĩ mô dự tính, mang tính lý thuyết nhiều hơn là thực tế.

Sau nữa, nếu có thể ước tính được về quy mô tác động, thì sự ước tính đó cũng chỉ dựa trên cơ sở số liệu trong quá khứ và tốc độ phát triển kinh tế từng năm cũng khác nhau. Những sai sót trong việc ước tính quy mô tác động cụ thể nêu trên sẽ khiến chính sách tài khoá không được hữu hiệu như trên lý thuyết.

- Khi kinh tế suy thoái, tức là sản lượng thực tế thấp xa so với sản lượng tiềm năng và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, thì thâm hụt ngân sách thường lớn. Trong trường hợp này, tăng thêm chi tiêu của chính phủ sẽ làm cho thâm hụt ngân sách trở nên lớn hơn, từ đó áp lực sẽ đè nên Chính phủ và nợ công sẽ tăng lên để bù đắp cho thâm hụt ngân sách.

- Việc tăng hay giảm chi tiêu ngân sách luôn là một nhiệm vụ khó khăn đối với Chính phủ. Bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích, quyền lợi của các tầng lớp dân cư và điều đó có thể gây nên làn sóng phản đối Chính phủ khi lợi ích của mình bị giảm đi.

- Việc tăng hay giảm các loại thuế nào hay khoản chi nào trong các khoản chi của Chính phủ là những cân nhắc dựa trên các yếu tố kinh tế, chính trị - xã hội, y tế, giáo dục... chứ không thể hoàn toàn dựa trên các lý do kinh tế thuần tuý.

Chính sách tài khóa mở rộng

7. So sánh chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

Cơ sở so sánh Chính sách tài khóa Chính sách tiền tệ
Ý nghĩa

Công cụ được sử dụng bởi Chính phủ sử dụng chính sách thu chi thuế và chi tiêu ngân sách Nhà nước để tác động đến nền kinh tế quốc dân.

Công cụ được sử dụng bởi Ngân hàng trung ương (NHTW) để điều tiết lượng cung tiền và lãi suất trong nền kinh tế.
Người tạo

chính sách

Chính phủ tạo chính sách (Ví dụ: Quốc hội Hoa Kỳ, Chính phủ Việt Nam,...) Ngân hàng trung ương (Ví dụ: Ngân hàng trung ương Việt Nam, Fed,...)
Quản lý bởi Bộ Tài chính Ngân hàng trung ương
Thời hạn thay đổi Chính sách tài khóa thay đổi hàng năm. Sự thay đổi trong chính sách tiền tệ phụ thuộc vào tình trạng kinh tế quốc gia.
Nguyên tắc Chính sách tài khóa thao túng mức độ tổng cầu trong nền kinh tế để đạt được mục tiêu ổn định giá cả, tạo việc làm cho nguồn lao động, tránh lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Chính sách tiền tệ thao túng cung tiền để ảnh hưởng đến kết quả như tăng trưởng kinh tế, tránh lạm phát, tỷ giá hối đoái với các đồng tiền khác và giải quyết tỷ lệ thất nghiệp.
Công cụ chính sách Chi tiêu chính phủ và Thuế suất Tỷ lệ lãi suất, mức cung tiền, dự trữ bắt buộc, tỷ giá hối đoái; nới lỏng định lượng; nghiệp vụ thị trường mở,...
Tập trung chủ yếu vào Tăng trưởng kinh tế Ổn định kinh tế

Ảnh hưởng chính trị

Đúng Không

Như vậy, Phân tích tài chính đã chia sẻ và cung cấp cho các bạn thông tin, kiến thức về chính sách tài khóa và các công cụ thực hiện chính sách tài khóa trong bài viết hôm nay. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này. Chúc các bạn thành công!

Xem thêm:

Biên tập viên
Tác giả Biên tập viên Admin
Bài viết trước Quy Luật Lưu Thông Tiền Tệ Và Lạm Phát

Quy Luật Lưu Thông Tiền Tệ Và Lạm Phát

Bài viết tiếp theo

Khóa Học Chứng Chỉ Đại Lý Thuế Uy Tín Nên Chọn Ở Đâu?

Khóa Học Chứng Chỉ Đại Lý Thuế Uy Tín Nên Chọn Ở Đâu?
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo