Vốn Lưu Động Ròng Là Gì? Phân Tích Vốn Lưu Động Ròng

Phân tích tài chính Tác giả Phân tích tài chính 18/07/2024 22 phút đọc

Chỉ tiêu vốn lưu động ròng là một chỉ tiêu quan trọng khi phân tích hiệu quả sử dụng vốn lưu động tại doanh nghiệp. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng chỉ tiêu vốn lưu động ròng trong phân tích tài chính.

I. Chỉ tiêu vốn lưu động ròng là gì?

Vốn lưu động của doanh nghiệp là một trong những nguồn vốn tài trợ cho việc hình thành tài sản ngắn hạn. Chỉ tiêu vốn lưu động được xác định bằng giá trị tài sản ngắn hạn trừ đi các khoản phải trả ngắn hạn.

Xem thêm: Vốn lưu động là gì?

Vốn lưu động của doanh nghiệp gồm vốn lưu động thường xuyênkhông thường xuyên. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, vốn lưu động của doanh nghiệp (DN) có thể thay đổi (tăng hoặc giảm), nhưng nhu cầu về vốn lưu động thì luôn có.

Vì vậy, vốn lưu động thường xuyên đáp ứng đủ yêu cầu sẽ giúp hoạt động SXKD trở lên chủ động, hiệu quả hơn. Do tính chất thường xuyên nên nguồn vốn lưu động thường xuyên cần được tài trợ bởi các nguồn vốn ổn định gồm vốn chủ sở hữu và nợ vay dài hạn.

Tuy nhiên, nguồn vốn ổn định này cũng được sử dụng để tài trợ các tài sản dài hạn. Phần còn lại của vốn dài hạn (vốn chủ sở hữu và nợ vay dài hạn) sau khi tài trợ cho tài sản dài hạn sẽ được sử dụng để tài trợ cho tài sản ngắn hạn, gọi là vốn lưu động ròng.

Do vậy, nguồn vốn lưu động ròng được xác định như sau:

Vốn lưu động ròng = Nguồn vốn dài hạn - Tài sản dài hạn

Hoặc Vốn lưu động ròng = Tài sản ngắn hạn - Nợ ngắn hạn

Triển khai công thức, cũng có thể xác định vốn lưu động ròng như sau:

Vốn lưu động ròng = Vốn lưu động - Vay ngắn hạn

Để phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến nguồn vốn lưu động ròng sẽ căn cứ vào công thức:

Vốn lưu động ròng = Nguồn vốn dài hạn - Tài sản dài hạn

Từ công thức có thể thấy, nguồn vốn dài hạn tăng sẽ giúp gia tăng vốn lưu động ròng, và nếu doanh nghiệp hạn chế đầu tư tài sản dài hạn thì cũng sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều vốn lưu động ròng phục vụ trong ngắn hạn hơn.

II. Phân Tích Chỉ Tiêu Vốn Lưu Động Ròng

Chỉ tiêu vốn lưu động ròng

Trong thực tế, có các trường hợp sau xảy ra với chỉ tiêu vốn lưu động ròng:

Trường hợp 1: Vốn lưu động ròng dương (>0)

Vốn lưu động ròng đạt giá trị dương cho thấy nguồn vốn dài hạn của DN được sử dụng để tài trợ cho cả tài sản ngắn hạn và dài hạn. Doanh nghiệp không lấy nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn mà tài sản dài hạn đã được tài trợ bởi toàn bộ nguồn vốn dài hạn.

Trong trường hợp này, cần kết hợp chỉ tiêu tỷ lệ vốn lưu động ròng trên vốn lưu động hoặc tài sản ngắn hạn để thấy được mức độ an toàn trong việc sử dụng vốn của DN.

Tỷ lệ vốn lưu động ròng trên vốn lưu động = Vốn lưu động ròng/Vốn lưu động

Nếu tỷ lệ này cao, chứng tỏ DN chủ động vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong ngắn hạn. Ngược lại, nếu tỷ lệ này thấp thì cho thấy DN ở trong tình trạng thiếu vốn trong ngắn hạn, khả năng thanh toán thấp và rủi ro tài chính sẽ tăng cao.

Tuy nhiên, nếu DN sử dụng nhiều vốn dài hạn để đầu tư trong ngắn hạn sẽ có bất lợi là chi phí sử dụng vốn sẽ cao, việc sử dụng vốn của DN thiếu linh hoạt, hiệu quả sử dụng vốn giảm. Ngược lại, nếu sử dụng ít vốn dài hạn cho việc đầu tư TSNH sẽ giúp tiết kiệm chi phí sử dụng vốn cao hơn, tuy nhiên rủi ro thanh toán cũng cao.

Thực tế, mức độ sử dụng vốn lưu động ròng còn phụ thuộc vào đặc điểm của DN, khả năng góp vốn của các chủ sở hữu, đặc điểm về vốn đối với chu kỳ kinh doanh của DN.

Trường hợp 2: Vốn lưu động ròng bằng 0

Trường hợp này cho thấy vốn dài hạn của DN chỉ đủ để tài trợ cho tài sản dài hạn, không thừa để tài trợ cho tài sản ngắn hạn. Tài sản ngắn hạn tại DN được tài trợ bởi toàn bộ nguồn vốn ngắn hạn.

Mặc dù không vi phạm nguyên tắc cân bằng tài chính, tuy nhiên DN sẽ phải đối mặt với những rủi ro về thanh toán và duy trì hoạt động SXKD trong ngắn hạn. Áp lực trả nợ các khoản vay ngắn hạn và phải trả ngắn hạn sẽ khiến DN phải tìm mọi cách để tăng vòng quay hàng tồn kho (bán được hàng), thu hồi các khoản phải thu ngắn hạn.

Trong trường hợp, không tái vay ngắn hạn được và đàm phán các khoản phải trả hợp lý, sẽ khiến DN gặp rất nhiều rủi ro, thậm chí mất khả năng thanh toán.

Trường hợp 3: Vốn lưu động ròng nhỏ hơn 0.

Vốn lưu động âm có nghĩa là nguồn vốn dài hạn của DN không đủ để tài trợ cho TSDH, vì vậy DN đã sử dụng một phần nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư vào TSDH. Điều đó có thể khiến DN mất khả năng thanh toán trong ngắn hạn, vì trường hợp các khoản phải trả và vay nợ ngắn hạn yêu cầu được thanh toán, DN có thể phải bán TSDH để thanh toán công nợ.

Tuy nhiên, nếu DN được các nhà cung cấp cho trả chậm và bán hàng thu tiền ngay thì hoàn toàn có thể sử dụng khoản tiền này để đầu tư vào dài hạn, trong trường hợp này rủi ro sẽ ít hơn.

Ví dụ hướng dẫn phân tích vốn lưu động ròng

Tại DN XYZ, tại ngày 31/12/N có các thông tin sau trên báo cáo tài chính:

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Chỉ tiêu Đầu kỳ Cuối kỳ
Tài sản
Tài sản ngắn hạn 1.400 2.230
Tài sản dài hạn 1.650 1.850
Tổng Tài sản 3.050 4.080
Nguồn vốn
Nợ phải trả 1.750 2.580
Các khoản phải trả ngắn hạn 250 550
Nợ vay ngắn hạn 1.050 1.380
Nợ vay dài hạn 450 650
Nguồn vốn Chủ sở hữu 1.300 1.400
Tổng nguồn vốn 3.050 4.080

https://phantichtaichinh.com/khoa-hoc-tai-chinh-cho-nguoi-khong-chuyen/

Từ số liệu trên, sẽ lập bảng phân tích chỉ tiêu vốn lưu động ròng như sau:

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Chỉ tiêu Đầu kỳ Cuối kỳ Chênh lệch
Vốn lưu động 1.150 1.680 530
Vốn lưu động ròng 100 200 100
Tỷ lệ vốn lưu động ròng trên VLĐ 8,7% 11,9% 3,2%

Vốn lưu động của DN ở cả 2 kỳ phân tích đều lớn hơn 0 và có sự gia tăng ở thời điểm cuối kỳ, cho thấy DN đã chủ động vốn hơn trong đầu tư tài sản ngắn hạn. Sự gia tăng này là do DN đã gia tăng nguồn vốn ngắn hạn và dài hạn.

Tỷ lệ vốn lưu động ròng trên vốn lưu động ở thời điểm cuối kỳ cao hơn đầu kỳ, thể hiện DN đã gia tăng nguồn vốn dài hạn cho đầu tư TSNH, tuy nhiên mức vốn dài hạn này được sử dụng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ, có thể do quan điểm muốn hạn chế chi phí sử dụng vốn của DN.

Mặt khác, kết quả trên cho thấy, vốn lưu động ròng ở thời điểm đầu kỳ và cuối kỳ đều dương, thể hiện DN đã sử dụng nguồn vốn dài hạn để tài trợ cho tài sản ngắn hạn.

Tại thời điểm cuối kỳ, vốn lưu động ròng đã gia tăng gấp đôi thời điểm đầu kỳ, DN có sự chủ động về vốn lưu động từ nguồn vốn dài hạn hơn, khả năng thanh toán của DN ở thời điểm cuối kỳ tốt hơn thời điểm đầu kỳ.

III. Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Vốn Lưu Động Ròng

Các nhân tố ảnh hưởng đến vốn lưu động ròng là gì

Do vốn lưu động ròng được xác định bởi Nguồn vốn dài hạn trừ đi tài sản dài hạn, nên các nhân tố ảnh hưởng đến vốn lưu động ròng được xác định bởi vốn chủ sở hữu, nợ dài hạn và tài sản dài hạn.

Tùy thuộc vào mục tiêu của DN, mà nhà quản trị có thể đưa ra các biện pháp để thay đổi giá trị vốn lưu động ròng thông qua thay đổi giá trị của các nhân tố trên.

Để tăng nguồn vốn chủ sở hữu, có thể đề nghị các thành viên doanh nghiệp góp thêm vốn, phát hành cổ phiếu hoặc gia tăng lợi nhuận giữ lại.

Các khoản nợ dài hạn có thể tăng thêm bằng cách phát hành trái phiếu, tăng nợ vay tài chính, phải trả dài hạn.

Tài sản dài hạn có thể tăng bằng cách mua sắm thêm hoặc giảm bằng cách thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, giảm cho vay, đầu tư dài hạn …

Để hiểu thêm các kiến thức liên quan về phân tích hiệu suất sử dụng vốn, có thể đọc thêm bài viết: Vốn cố định là gì?

Hoặc có thể tìm hiểu thông qua khóa học phân tích tài chính của TS Lê Ánh và sách “Thực hành phân tích báo cáo tài chính” của TS Lê Ánh.

Bài viết này thuộc bản quyền của TS Lê Ánh, vui lòng ghi rõ nguồn nếu chia sẻ bài viết.

Phân tích tài chính
Tác giả Phân tích tài chính Admin
Bài viết trước Nhận Định Thị Trường Chứng Khoán Ngày 03/04/2023 – 07/04/2023: Vnindex Hướng Đến Kháng Cự 1085-1090.

Nhận Định Thị Trường Chứng Khoán Ngày 03/04/2023 – 07/04/2023: Vnindex Hướng Đến Kháng Cự 1085-1090.

Bài viết tiếp theo

Các Kênh Đầu Tư Phổ Biến Hiện Nay - So Sánh Ưu, Nhược Điểm

Các Kênh Đầu Tư Phổ Biến Hiện Nay - So Sánh Ưu, Nhược Điểm
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo