Tài Chính Doanh Nghiệp Là Gì? Tổng Quan Về Tài Chính Doanh Nghiệp

Biên tập viên Tác giả Biên tập viên 18/07/2024 45 phút đọc

Tài chính đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bài viết sau Phân tích tài chính chia sẻ chi tiết về Khái niệm Tài chính doanh nghiệp là gì? Tổng quan về tài chính doanh nghiệp.

1. Tài chính doanh nghiệp là gì?

#Khái niệm tài chính doanh nghiệp

Tài chính doanh nghiệp tên tiếng Anh là Corporate Finance. Đây là thuật ngữ dùng để mô tả cho các công cụ và công việc quan trọng diễn ra trong hệ thống tài chính của một doanh nghiệp. Những công việc liên quan đến Tài chính doanh nghiệp thường được biết đến là huy động vốn, sau đó sử dụng vốn để đầu tư vào tài sản doanh nghiệp nhằm tạo ra lợi nhuận cho chủ sở hữu.

Căn cứ vào những thông tin về tài chính doanh nghiệp, người đảm nhiệm vị trí liên quan đến tài chính của công ty sẽ thực hiện các công việc quản lý dòng tiền nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động sinh lời của doanh nghiệp.

#Ví dụ về tài chính doanh nghiệp như: phân tích báo cáo tài chính, báo cáo lỗ, lãi, quản lý dòng tiền, xây dựng bảng cân đối kế toán,...

Sau khi phân tích và tạo báo cáo, những người làm Tài chính sẽ cân nhắc chiến lược, sử dụng các công cụ Tài chính để điều chỉnh và và khắc phục trong trường hợp có thiếu hụt.

2. Đặc điểm của tài chính doanh nghiệp là gì?

Đặc trưng của tài chính doanh nghiệp là quá trình vận động vốn và quỹ của doanh nghiệp, là quá trình vốn tiền tệ vận động để hình thành và sử dụng các vốn: Vốn cố định, vốn lưu động và vốn đầu tư tài chính. Và các quỹ như: Quỹ khấu hao TSCĐ, quỹ tiền lương, quỹ tích lũy mở rộng sản xuất kinh doanh, quỹ dự phòng tai nạn rủi ro trong kinh doanh, quỹ khen thưởng và phúc lợi.

3. Mục tiêu của tài chính doanh nghiệp

Mục tiêu tài chính của doanh nghiệp chính là tối đa hóa lợi ích của chủ sở hữu. Nói cách khác là mang lại nhiều giá trị nhất cho doanh nghiệp.

4. Chức năng của tài chính doanh nghiệp

4.1. Tạo vốn và luân chuyển vốn

Chức năng đảm bảo nguồn vốn ổn định và đủ cho hoạt động của một doanh nghiệp, đáp ứng kịp thời cho các hoạt động kinh doanh, sản xuất.

4.2. Phân phối thu nhập

Tài chính doanh nghiệp sẽ cân đối lại vốn một cách hợp lý nhất để có thể đạt hiệu quả tối đa cho từng đồng vốn, từ đó thúc đẩy, phát triển các hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.

4.3. Kiểm tra giám sát quá trình luân chuyển vốn

Chức năng này sẽ rà soát lại một lần nữa các hoạt động vốn đã diễn ra có hiệu quả hay không để đưa ra các đề xuất cho người quản lý, điều hành công ty, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng, kiểm soát nguồn vốn.

5. Nội dung tài chính doanh nghiệp

Ba nội dung cơ bản của tài chính doanh nghiệp có thể mô tả tóm tắt như sau:

5.1. Lập kế hoạch đầu tư (Capital Budgeting)

Đây là quá trình lập kế hoạch và quản lý các dự án đầu tư dài hạn của doanh nghiệp. Nhà quản trị tài chính cần phát hiện ra các cơ hội đầu tư có khả năng đem lại thu nhập nhiều hơn chi phí tài trợ cho việc thực thi hoạt động đầu tư đó. Một cách cụ thể, nhà quản trị phải lên được kế hoạch mua sắm, chi tiêu cho dự án, không chỉ bao gồm những chi tiêu ban đầu mà cả các chi tiêu trong suốt quá trình thực hiện dự án, phải dự tính được những thay đổi trong chi phí.

Đồng thời, nhà quản trị phải dự tính được doanh thu, lợi nhuận trong suốt vòng đời của dự án. Điểm quan trọng nhất là qua đó phải xác định được thời điểm (timing) diễn ra các luồng tiền vào ra doanh nghiệp, giá trị (size) của các luồng tiền đó cũng như những rủi ro (risk) gắn với các luồng tiền, trên cơ sở đó đánh giá được mức sinh lời của dự án cũng như có các biện pháp quản trị thích hợp nhằm kiểm soát rủi ro để có được những luồng tiền đúng như dự tính cả về giá trị lẫn thời điểm.

5.2. Xác định cấu trúc vốn tài trợ (capital structure)

Đây là quá trình xác định cách thức để doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn đầu tư dài hạn cũng như quản lý nguồn vốn đó. Nguồn vốn huy động của doanh nghiệp cho các dự án đầu tư dài hạn tồn tại dưới hai dạng: vốn góp của các cổ đông và vốn vay.

Nhiệm vụ của nhà quản trị tài chính ở đây là phải xác định được cấu trúc vốn huy động sao cho vừa đảm bảo giảm thiểu chi phí huy động, gia tăng giá trị cho doanh nghiệp đồng thời vẫn kiểm soát được những rủi ro cho doanh nghiệp.

Ví dụ: Nếu tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp mà cao thì sẽ rất có lợi cho doanh nghiệp vì nó có thể giúp gia tăng giá trị doanh nghiệp. Chẳng hạn, lãi trả cho các khoản nợ được khấu trừ khi tính thuế nên nếu tỷ lệ phần nguồn vốn cho dự án dưới dạng nợ mà cao thì doanh nghiệp sẽ được lợi về thuế. Hơn nữa, trong khi khả năng tạo ra lợi nhuận của từng đồng vốn sử dụng thì được coi là như nhau nhưng lãi trả cho những đồng vốn huy động bằng vay nợ sẽ luôn cố định.

Như vậy cùng một mức sinh lời, nếu tỷ lệ nợ trong nguồn vốn đầu tư mà cao thì doanh nghiệp càng lợi. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu mà cao thì doanh nghiệp sẽ dễ gặp những khó khăn về tài chính khi dự án không sinh lời như mong muốn.

Hơn thế, các chủ nợ sẽ đòi hỏi lãi suất cao hơn khi thấy tỷ lệ nợ trong nguồn vốn huy động của doanh nghiệp quá cao vì sợ rủi ro. Thậm chí, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong vay vốn.

5.3. Quản trị vốn lưu động (Working Capital Management)

Nội dung của hoạt động quản trị vốn lưu động là kiểm soát các tài sản lưu động và nợ ngắn hạn (bao gồm cả nợ dài hạn đến hạn trả) nhằm đảm bảo doanh nghiệp có đủ tiền cho các chi tiêu cho hoạt động của mình. Các câu hỏi mà nhà quản trị tài chính thường phải trả lời là:

  • Doanh nghiệp cần phải nắm giữ bao nhiêu tiền (tiền mặt và tiền gửi ngân hàng), bao nhiêu hàng dự trữ (bao gồm nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm trong kho)?
  • Trường hợp nào thì doanh nghiệp nên bán chịu, thời hạn bán chịu nên là bao lâu và đối tượng nào sẽ được doanh nghiệp bán chịu?
  • Doanh nghiệp nên vay ngắn hạn hay mua chịu hay thanh toán ngay?

6. Quản trị tài chính doanh nghiệp

#Quản trị tài chính doanh nghiệp là gì?

Quản trị tài chính doanh nghiệp (Financial Management) là khái niệm trong kinh tế học, dùng để nói đến công việc lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, kiểm soát,… mọi hoạt động liên quan đến vấn đề tài chính của một doanh nghiệp, như: sử dụng quỹ tài chính, đầu tư, chi phí nhập nguyên liệu, chi phí trả lương nhân viên, … trong suốt thời gian doanh nghiệp hoạt động, vận hành.

tong-quan-ve-tcdn

7. Các chỉ số tài chính doanh nghiệp quan trọng

7.1. Chỉ số thanh toán hiện hành (Current Ratio)

a. Công thức

Chỉ số thanh toán hiện hành = Tài sản lưu động/ Nợ ngắn hạn

b. Ý nghĩa

Chỉ số này cho biết khả năng của một công ty trong việc dùng các tài sản lưu động như tiền mặt, hàng tồn kho hay các khoản phải thu để chi trả cho các khoản nợ ngắn hạn của mình.

Chỉ số này càng cao chứng tỏ công ty càng có nhiều khả năng sẽ hoàn trả được hết các khoản nợ.

Chỉ số thanh toán hiện hành nhỏ hơn 1 cho thấy công ty đang ở trong tình trạng tài chính tiêu cực, có khả năng không trả được các khoản nợ khi đáo hạn.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là công ty sẽ phá sản bởi vì có rất nhiều cách để huy động thêm vốn. Mặt khác, nếu chỉ số này quá cao cũng không phải là một dấu hiệu tốt bởi vì nó cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng tài sản chưa được hiệu quả.

7.2. Chỉ số thanh toán nhanh (Quick Ratio)

a. Công thức

Chỉ số thanh toán nhanh = (Tiền và các khoản tương đương tiền+các khoản phải thu+các khoản đầu tư ngắn hạn)/(Nợ ngắn hạn)

b. Ý nghĩa

Chỉ số thanh toán nhanh cho biết liệu công ty có đủ các tài sản ngắn hạn để trả cho các khoản nợ ngắn hạn mà không cần phải bán hàng tồn kho hay không.

Chỉ số này phản ánh chính xác hơn chỉ số thanh toán hiện hành. Một công ty có chỉ số thanh toán nhanh nhỏ hơn 1 sẽ khó có khả năng hoàn trả các khoản nợ ngắn hạn và phải được xem xét cẩn thận.

Ngoài ra, nếu chỉ số này nhỏ hơn hẳn so với chỉ số thanh toán hiện hành thì điều đó có nghĩa là tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào hàng tồn kho. Các doanh nghiệp bán lẻ là những ví dụ điển hình của trường hợp này.

7.3. Chỉ số thanh toán tiền mặt (Cash Ratio)

a. Công thức

Chỉ số thanh toán tiền mặt = (Các khoản tiền và tương đương tiền)/(Nợ ngắn hạn)

b. Ý nghĩa

Tỷ số thanh toán tiền mặt cho biết một công ty có thể trả được các khoản nợ của mình nhanh đến đâu, vì tiền và các khoản tương đương tiền là những tài sản có tính thanh khoản cao nhất.

7.4. Chỉ số dòng tiền từ hoạt động (Short-term debt coverage)

a. Công thức

Chỉ số dòng tiền hoạt động = Dòng tiền hoạt động/ Nợ ngắn hạn

b. Ý nghĩa

Các khoản phải thu ít và giới hạn vòng quay hàng tồn kho có thể làm cho thông tin nhà các chỉ số thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh không thật sự mang ý nghĩa như kỳ vọng của các nhà sử dụng báo cáo tài chính.

Bởi vậy chỉ số dòng tiền hoạt động lúc này lại là một chỉ dẫn tốt hơn đối với khả năng của công ty trong việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn với tiền mặt có được từ hoạt động

7.5. Chỉ số vòng quay các khoản phải thu (Accounts Receivable Turnover)

a. Công thức

Vòng quay các khoản phải thu = Doanh số thuần hàng năm/ Các khoản phải thu trung bình

Trong đó:

Các khoản phải thu trung bình = (Các khoản phải thu còn lại trong báo cáo của năm trước và các khoản phải thu năm nay)/2

b. Ý nghĩa

Đây là một chỉ số cho thấy tính hiệu quả của chính sách tín dụng mà doanh nghiệp áp dụng đối với các bạn hàng. Chỉ số vòng quay càng cao sẽ cho thấy doanh nghiệp được khách hàng trả nợ càng nhanh.

Nhưng nếu so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành mà chỉ số này vẫn quá cao thì có thể doanh nghiệp sẽ có thể bị mất khách hàng vì các khách hàng sẽ chuyển sang tiêu thụ sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh cung cấp thời gian tín dụng dài hơn.

Và như vậy thì doanh nghiệp chúng ta sẽ bị sụp giảm doanh số. Khi so sánh chỉ số này qua từng năm, nhận thấy sự sụt giảm thì rất có thể là doanh nghiệp đang gặp khó khăn với việc thu nợ từ khách hàng và cũng có thể là dấu hiệu cho thấy doanh số đã vượt quá mức.

7.6. Chỉ số số ngày bình quân vòng quay khoản phải thu

a. Công thức

Số ngày trung bình = 365/ Vòng quay các khoản phải thu

b. Ý nghĩa

Cũng tương tự như vòng quay các khoản phải thu, có điều chỉ số này cho chúng ta biết về số ngày trung bình mà doanh nghiệp thu được tiền của khách hàng

7.7. Chỉ số vòng quay hàng tồn kho

a. Công thức

Vòng quay hàng tồn kho = giá vốn hàng bán/ Hàng tồn kho trung bình

Trong đó:

Hàng tồn kho trung bình = (Hàng tồn kho trong báo cáo năm trước + hàng tồn kho năm nay)/2

b. Ý nghĩa

Chỉ số này thể hiện khả năng quản trị hàng tồn kho hiệu quả như thế nào.

Chỉ số vòng quay hàng tồn kho càng cao càng cho thấy doanh nghiệp bán hàng nhanh và hàng tồn kho không bị ứ đọng nhiều trong doanh nghiệp.

Có nghĩa là doanh nghiệp sẽ ít rủi ro hơn nếu nhìn thấy trong báo cáo tài chính, khoản mục hàng tồn kho có giá trị giảm qua các năm.

Tuy nhiên chỉ số này quá cao cũng không tốt vì như thế có nghĩa là lượng hàng dự trữ trong kho không nhiều, nếu nhu cầu thị trường tăng đột ngột thì rất khả năng doanh nghiệp bị mất khách hàng và bị đối thủ cạnh tranh giành thị phần.

Thêm nữa, dự trữ nguyên liệu vật liệu đầu vào cho các khâu sản xuất không đủ có thể khiến cho dây chuyền bị ngưng trệ. Vì vậy chỉ số vòng quay hàng tồn kho cần phải đủ lớn để đảm bảo mức độ sản xuất đáp ứng được nhu cầu khách hàng.

7.8. Chỉ số số ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho

a. Công thức

Số ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho = 365/ Vòng quay hàng tồn kho

b. Ý nghĩa

Tương tự như vòng quay hàng tồn kho có điều chỉ số này quan tâm đến số ngày.

7.9. Chỉ số vòng quay các khoản phải trả

a. Công thức

Vòng quay các khoản phải trả = Doanh số mua hàng thường niên/ Phải trả bình quân

Trong đó:

Doanh số mua hàng thường niên = Giá vốn hàng bán+hàng tồn kho cuối kỳ – Hàng tồn kho đầu kỳ

Phải trả bình quân = (Phải trả trong báo cáo năm trước + phải trả năm nay)/2

b. Ý nghĩa

Chỉ số này cho biết doanh nghiệp đã sử dụng chính sách tín dụng của nhà cung cấp như thế nào.

Chỉ số vòng quay các khoản phải trả quá thấp có thể ảnh hưởng không tốt đến xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp.

7.10. Chỉ số số ngày bình quân vòng quay các khoản phải trả (Account Payable Turnover Ratio)

Số ngày bình quân vòng quay các khoản phải trả = 365/ Vòng quay các khoản phải trả

>>> Xem thêm: 08 cuốn sách kinh điển về tài chính

8. Ngành tài chính doanh nghiệp

Ngành tài chính doanh nghiệp nên học trường nào?

Một số ngôi trường đại học nổi tiếng được đánh giá cao về chất lượng giảng dạy Tài chính doanh nghiệp có thể kể đến như:

Ở miền Bắc:

  • Đại học Kinh tế quốc dân
  • Đại học Ngoại thương
  • Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội
  • Học viện Tài chính
  • Học viện Ngân hàng
  • Đại học Quốc tế Bắc Hà
  • Đại học Kinh tế Quản trị kinh doanh - ĐH Thái Nguyên

Ở miền Trung:

  • Đại học Vinh
  • Đại học Kinh tế - Đại học Huế
  • Đại học Duy Tân Đại học Thái Bình Dương

Ở miền Nam:

  • Đại học Kinh tế TPHCM
  • Đại học Tài chính Marketing
  • Đại học Ngân hàng TPHCM
  • Đại học An Giang
  • Đại học Hoa Sen
  • Đại học Kinh tế - Luật - ĐH quốc gia TPHCM
  • Đại học Công nghệ Đồng Nai

Các môn học chuyên ngành tài chính doanh nghiệp

Các môn học tiêu biểu của chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp: Nguyên lý thống kê kinh tế, Lý thuyết tài chính – Tiền tệ, Tài chính doanh nghiệp I-II, Tài chính công ty đa quốc gia, Đầu tư tài chính, Phân tích tài chính, Thị trường tài chính..

#Học tài chính doanh nghiệp ra làm gì

Sau khi tốt nghiệp ngành tài chính doanh nghiệp, bạn có thể đảm nhận các công việc như sau:

  • Chuyên gia phân tích tài chính: Đây là một trong những ngành nghề đòi hỏi sự hiểu biết về tài chính. Người làm công việc này sẽ thực hiện các trách nhiệm, công việc liên quan đến tài chính, phân tích dự án, lập kế hoạch và nhiều yêu cầu khác.
  • Giám đốc tín dụng: Vị trí này đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về khách hàng của doanh nghiệp, khả năng phân tích các báo cáo…
  • Nhà quản lý tiền mặt: Công việc này cần khả năng giao tiếp tốt cũng như kỹ năng đàm phán. Nhà quản lý tiền mặt phải đảm bảo mình có sẵn tiền để sử dụng cho đầu tư, nhu cầu tín dụng…
  • Thủ quỷ: Vị trí này sẽ làm các công việc liên quan như kế hoạch tài chính, xử lý tài sản…
  • Làm việc trong bộ phần điều hành tài chính công ty: đây là công việc đòi hỏi có kiến thức sâu rộng về kế toán, bạn sẽ chịu trách nhiệm đến việc lập kế hoạch tài chính, phân tích, báo cáo, dự kiến chi phí của công ty…

#Nên học tài chính doanh nghiệp hay ngân hàng?

Học Tài chính doanh nghiệp thiên về quản lý vốn, đầu tư còn tài chính ngân hàng thì thiên về các nghiệp vụ tín dụng, thanh toán quốc tế...Tùy theo định hướng công việc để lựa chọn ngành học.

#Nên học tài chính công hay tài chính doanh nghiệp?

Tài chính công là tổng thể các hoạt động thu, chi bằng tiền do Nhà nước tiến hành, tài chính công thể hiện các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình tạo lập, sử dụng, quản lý các quỹ công nhằm phục vụ thực hiện các chức năng của Nhà nước và đáp ứng các nhu cầu, lợi ích chung của toàn xã hội.

Sinh viên ngành Tài chính công sẽ được giảng dạy các kiến thức cơ sở và kiến thức chuyên ngành để đáp ứng được nhu cầu công việc sau khi ra trường. Ở kiến thức cơ sở, sinh viên được đào tạo các môn như: Pháp luật kinh tế, nguyên lý kế toán, tài chính doanh nghiệp, nguyên lý thống kê, quản trị ngân hàng, thuế, tài chính quốc tế, tin học ứng dụng,…

Bạn dự định làm tại các cơ quan nhà nước thì nên lựa chọn ngành tài chính công.

9. Tham khảo một số bài tập tài chính doanh nghiệp

Căn cứ vào tài liệu sau đây tại doanh nghiệp X năm kế hoạch Tài liệu:

1. Theo tài liệu kế toán số lượng sản phẩm kết dư thực tế đến 30/9 năm báo cáo:
- Sản phẩm A: 521 cái
- Sản phẩm B: 825 cái

2. Theo kế hoạch sản xuất và tiêu thụ quý IV năm báo cáo:
- Sản phẩm A: sản xuất 5.346 cái; Tiêu thụ 5.647 cái
- Sản phẩm B: sản xuất 5.880 cái; Tiêu thụ 6.489 cái

3. Theo kế hoạch sản xuất năm kế hoạch thì số lượng sản phẩm, hàng hoá sản xuất cả năm:
- Sản phẩm A: 21.600 cái
- Sản phẩm B: 29.700 cái

4. Căn cứ vào tình hình sản xuất và thị trường tiêu thụ qua các năm, dự kiến số lượng sản phẩm, hàng hoá kết dư đến cuối năm kế hoạch:
- Sản phẩm A: 10% so với sản lượng sản xuất cả năm.
- Sản phẩm B: 5% so với sản lượng sản xuất cả năm.

5. Giá bán đơn vị sản phẩm năm kế hoạch (chưa có thuế GTGT):
- Sản phẩm A: 10.000 đồng, đã tính hạ 500 đ/sp so với năm báo cáo
- Sản phẩm B: 20.000 đồng, đã tính hạ 1.000 đ/sp so với năm báo cáo

6. Dự kiến trong năm góp vốn tham gia liên doanh dài hạn với công ty Z (cơ sở đồng kiểm soát): 500 triệu đồng, kết quả dự kiến được phân chia theo hợp đồng liên doanh: 15% trên vốn góp.
Theo kế hoạch trong năm sẽ thanh lý một số TSCĐ hết thời hạn sử dụng với chi phí thanh lý dự kiến là: 5 triệu đồng, thu về thanh lý dự kiến là: 8 triệu đồng.

7. Trong năm sẽ bán một số nguyên vật liệu kém, mất phẩm bán: 15 triệu đồng.

8. Trong số sản phẩm kết dư đầu năm kế hoạch:
- Sản phẩm A có 40% là tồn kho
- Sản phẩm B có 50% là tồn kho .

Biết rằng: Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Các sản phẩm A, B đều thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

Yêu cầu: Hãy tính tổng thu nhập của doanh nghiệp năm kế hoạch?

=> Bài giải:

Tính tổng thu nhập năm kế hoạch của doanh nghiệp:

QđA = 521 + 5.346 - 5.647 = 220 cái

QđB = 825 +5.880 - 6.489 = 216 cái

QTA = 220 + 21.600* 0,9 = 19.660 cái

QTB = 216 +29.700* 0,95 = 28.431 cái

DTA = 0,6*220* 10,5 + 19.528 * 10 = 196.666 nd

DTB = 0,5*216* 21 + 28.323 * 20 = 568.728 nd

Tổng DT = 765.394 nd

- DT hoạt động tài chính = 500.000* 15% = 75.000 nd

- Thu nhập khác = 8.000 + 15.000 = 23.000 nd

Tổng Thu nhập năm kế hoạch = 765.344 + 75.000 + 23.000 = 863.394 nd

Trên đây là một số thông tin về tài chính doanh nghiệp. Hy vọng hữu ích với bạn đọc. Ngoài ra để nâng cao kiến thức và quản lý tài chính có hiệu quả bạn có thể tham khảo học phân tích tài chính tại địa chỉ đào tạo uy tín.

>> Xem thêm:

Biên tập viên
Tác giả Biên tập viên Admin
Bài viết trước Top 12 Chứng Chỉ Tài Chính, Kế Toán, Kiểm Toán, Chứng Khoán Nên Học

Top 12 Chứng Chỉ Tài Chính, Kế Toán, Kiểm Toán, Chứng Khoán Nên Học

Bài viết tiếp theo

Đầu Tư Ngắn Hạn Là Gì? Lợi Ích Và Rủi Ro Cần Biết

Đầu Tư Ngắn Hạn Là Gì? Lợi Ích Và Rủi Ro Cần Biết
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo